top of page
  • thythylittlethings

NHẬT KÍ THỰC TẬP (PHẦN 2): LÀM SAO ĐỂ TỰ TÌM ĐƯỢC VIỆC THỰC TẬP KẾ TOÁN KHI CHƯA CÓ KINH NGHIỆM?

Nếu như ở bài viết trước về Nhật kí thực tập mình đã chia sẻ về NHỮNG BÀI HỌC "XƯƠNG MÁU" MÌNH RÚT RA SAU KÌ THỰC TẬP KẾ TOÁN, thì ở bài viết này mình xin tiếp tục chia sẻ về những kinh nghiệm mình đã rút ra về cách làm sao để bạn có thể tự xin được một công việc thực tập như ý muốn. Không như các công ty Kiểm toán sẽ tuyển thực tập sinh với số lượng lớn, các công ty bình thường chỉ tuyển từ 3-10 thực tập sinh mỗi kì thực tập, vậy làm thế nào để bạn có thể "tự xin" được việc thực tập kế toán? Mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm của riêng cá nhân mình để các bạn sắp đi thực tập hoặc các bé năm 1, 2, 3 có thể chuẩn bị trước nhé, dù sao "bắt đầu từ sớm" thì lúc nào cũng tốt hơn là "nước tới chân mới nhảy" mà đúng không?


Dĩ nhiên rồi, trước khi đi thực tập thì mình phải xin được việc trước đã phải không? Đối với sinh viên năm 4 thì việc này đã quá quen thuộc, nhưng mình cũng xin nói chi tiết hơn cho các bé sinh viên năm 1, 2, 3 nếu muốn tìm hiểu trước, vì hè năm 2, năm 3 thì các bạn đã có thể xin đi thực tập ở các công ty được rồi chứ không phải là phải đợi đến đúng kì thực tập rồi mới chạy đi tìm việc.


Đầu tiên chúng ta cần chuẩn bị CV:

Các bạn có thể chuẩn bị CV bằng các website tạo CV chuyên nghiệp miễn phí ở đây:


Tuy nhiên đây chỉ là hình thức, nếu muốn CV của bạn trở thành 1 CV sáng giá mà nhà tuyển dụng nhìn vào muốn gọi đi phỏng vấn ngay thì nó phải có nội dung phù hợp với yêu cầu công việc, thể hiện mình là một người năng động, có thể làm việc với áp lực và sẵn lòng học hỏi, rèn luyện ở môi trường làm việc của công ty muốn tuyển dụng bạn. Cái này nói với các bạn năm 4 thì đã hơi muộn, nhưng các bé năm 1, 2, 3 thì có thể tích lũy ngay từ bây giờ nhé. Mới vào đại học rảnh quá thì làm gì bây giờ, thôi về phòng nằm xem phim, chơi điện tử rồi trùm mền ngủ cho sướng nhỉ? (Cười) Ôi trời, đừng làm thế nhé, tới khi phải đi làm mà nộp CV không ai nhận thì khóc cũng không kịp luôn í. Năm 1, năm 2 rảnh quá thì chúng ta có thể đi tình nguyện, tham gia các câu lạc bộ để tích lũy kĩ năng và tạo các mối quan hệ, học tiếng Anh, tin học, đọc sách, học các kỹ năng mềm, tham gia các cuộc thi học thuật, năng khiếu và đi làm thêm… đây sẽ là những thứ rất cần thiết và hữu ích trong CV của bạn đấy, đừng để tới lúc phải đi xin việc mới chợt phát hiện ra mình không có gì để viết cả đấy, đừng để thời sinh viên của bạn trôi qua chỉ có đi học, ăn, rồi ngủ đấy. Hãy bắt đầu sớm hơn người khác, một vài năm nữa khi nhìn lại, bạn sẽ nhận ra tất cả những việc bạn làm trong 4 năm đại học của mình có sức ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ tương lai và sự nghiệp của bạn đấy.

Mình đã trình bày chi tiết cách tích lũy kinh nghiệm và trải nghiệm trong bài viết này, bạn có thể tham khảo nhé:


Tiếp theo là đi tìm và chọn lựa công việc phù hợp với mình:

Điều mình muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ khi đi tìm việc chính là:

“Đừng đặt đồng tiền lên trên tất cả, đây chưa phải là thời điểm để bạn làm việc để kiếm tiền mà là để tích lũy kinh nghiệm và tạo các mối quan hệ có giá trị cho mình.”

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, không đặt giá trị đồng tiền làm tiền đề không có nghĩa là bạn chọn một việc mà không cần được trả lương hay được trả lương nhưng không xứng đáng với công sức mình đã bỏ ra, mình nhớ có một câu nói rất hay: “Cái gì bạn giỏi thì đừng làm miễn phí cho người khác.” Bạn cần chọn việc một cách thông minh, nhưng không phải ai sinh ra cũng thông minh nên mình chọn cách thử và trải nghiệm, đừng ngại khó khăn, gian khổ, cảnh báo bạn sẽ "khôn" lên rất nhiều từ những thất bại của mình đấy.

Giờ xác định tư tưởng xong rồi thì tìm việc ở đâu? Để tránh dính phải “đa cấp” hay bị lừa bạn nên chọn các kênh thông tin uy tín như Mail của trường, trang việc làm của trường hay một số trang Web uy tín khác như Ybox, Indeed, LinkedIn,…


Khi đã tìm được việc phù hợp với bản thân chúng ta cần làm gì tiếp theo?

Có bạn sẽ nói “Mình chưa đủ điều kiện với công việc này, thôi đợi công việc khác phù hợp hơn rồi làm, giờ này còn sớm quá để đi thực tập.”

Hay: “Việc này thấy cực quá mà lương lại thấp, hay đợi tìm xem công việc nào lương cao hơn rồi hãy làm.”

Hay thậm chí: “Mình chưa sẵn sàng, mình phải chuẩn bị tâm lý đã, đợi đến lúc tinh thần ổn định rồi mình nhất định sẽ đi làm.”

Và hàng trăm lý do khác, nhưng bạn không nhận ra:

“Con người thua nhau bởi chữ đợi.”

Như mình đã từng nhấn mạnh rất nhiều lần, không có thời điểm nào là hoàn hảo nếu bạn không bắt đầu, bạn không bao giờ ổn định được tâm lý nếu không có kỹ năng quản trị bản thân và cuộc sống này luôn vận hành, mỗi ngày lại biến chuyển khác nhau, bạn không thể xác định việc nào là phù hợp với mình một cách tuyệt đối. Vì thế lời khuyên của mình cho các bạn còn chần chừ chính là: “Hãy làm đi và làm nhiệt tình vào!”


1. Gửi hồ sơ đến nhà tuyển dụng:

Như mình đã nói , không như các công ty Kiểm toán hay các tập đoàn lớn sẽ tuyển dụng nhân viên thực tập với số lượng lớn mỗi kỳ tuyển, có form sẵn để các bạn điền vào. Đối với thực tập kế toán, mỗi công ty thường chỉ nhận từ 3-10 bạn mỗi kỳ, nên ngoài việc tạo ấn tượng bởi CV, bạn phải biết cách để nhà tuyển dụng tiếp cận được hồ sơ và gọi mình đi phỏng vấn đầu tiên. Điều mình muốn đề cập chính là gửi mail, việc gửi mail xin việc cũng vô cùng quan trọng, trước tiên là mail xin việc phải là một mail trang trọng, không chứa các từ teencode hãy tên các tổ chức khác không liên quan đến công việc bạn muốn xin làm. Tiếp theo bạn cần việc mail xin việc kèm chủ đề theo đúng description của công việc, đối với các công việc yêu cầu làm việc trong môi trường bằng tiếng Anh, tốt nhất bạn nên gửi mail bằng tiếng Anh. Nội dung mail phải phù hợp với description của công việc và thể hiện sự thiện chí và cam kết làm việc với vị trí mà bạn muốn ứng tuyển. Nếu phía nhà tuyển dụng yêu cầu bạn nộp hồ sơ kèm CV luôn thì nhớ là phải chuẩn bị đầy đủ theo yêu cầu, cũng như là công chứng các giấy tờ liên quan trước đấy nhé.



2. Được mời đến phỏng vấn thì làm sao?

Theo mình biết các công ty đa số chỉ tuyển thực tập sinh kế toán qua 2 vòng đơn giản thế thôi, nhưng không vì thế mà mình lại xem nhẹ nó. Trong buổi phỏng vấn thường bạn sẽ được gặp HR (Nhân sự) Kế toán trưởng hoặc nhân viên có kinh nghiệm của phòng Kế toán. Ngoài chuyên ngành là một thứ không thể thiếu trong bất cứ kì phỏng vấn Kế toán nào thì điều bạn cần mang đến buổi phỏng vấn chính là sự tự tin và quan trọng nhất là thái độ muốn làm việc.



Khi đã qua được cửa ải khó khăn này, việc tiếp theo chính là thỏa thuận ngày làm việc và mức lương. Như bạn cũng đã biết với thực tập sinh Kế toán thì mức lương sẽ không cao như một vài ngành khác, sẽ dao động từ 1tr5-4tr tùy mức độ công việc, nên bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi nhận để tránh trường hợp sau này lại than vãn vì công ty "bóc lột" lương thấp mà việc nhiều.


Trên đây là một vài kinh nghiệm nho nhỏ mình rút ra khi đi xin việc, không chỉ riêng công việc thực tập Kế toán mà còn là kinh nghiệm từ rất nhiều công việc mình từng làm qua (Bạn có thể xem bài viết TẠI ĐÂY). Ở bài viết sau mình sẽ tiếp tục chia sẻ về những những công việc mình thực sự được làm với cương vị là một thực tập sinh chưa có kinh nghiệm gì cả cho các bạn quan tâm nhé!



“Thy và những câu chuyện nhỏ” #49

28/09/2019

381 views3 comments
bottom of page