top of page
  • thythylittlethings

VƯỢT QUA NỖI SỢ BỊ BỎ LỠ (FOMO – FEAR OF MISSING OUT)


"Ai cũng có những ước mơ riêng, tại sao phải bỏ cả tuổi thanh xuân cùng tiền bạc để theo đuổi giấc mơ của người khác?"

FOMO (Fear of missing out) – nỗi sợ bỏ lỡ một điều gì đó, sợ bị lãng quên là một hình thức tự tra tấn tâm lý do chính trí tưởng tượng của con người tạo ra, đặc biệt là trong giới trẻ hiện nay. Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội thì FOMO ngày càng trầm trọng hơn.



Một vài biểu hiện thường thấy của người mắc hội chứng FOMO trong đời sống hằng ngày:

1. Cảm thấy buồn và thiếu sót khi bỏ lỡ một cuộc vui chơi, hội họp hay sự kiện xã hội

Đã bao giờ bạn gặp phải trường hợp này chưa, bỗng dưng đang ở nhà thì hay tin đám bạn mình chơi chung đi chơi không rủ mình. Bạn cảm thấy khá buồn và bị bỏ rơi mặc dù có khi bạn không hề thích hợp với những cuộc vui như thế. Một trường hợp khác chính là mặc dù bạn không hề muốn đi cùng với những người đó, nhưng bạn sợ bị bỏ lỡ một thông tin gì đó, hoặc sợ sẽ bị mất quyền lợi trong một cuộc hội họp, thế là bạn quyết định sẽ tham gia với một tâm thế gượng ép, khó chịu với chính bản thân mình. Chúng ta đa số đều rất sợ bị bỏ lỡ, sợ không có mình thì thế giới này không thể tiếp tục vận hành nữa. Tuy nhiên, bạn hãy thử một lần sống thật với chính cảm xúc của bản thân mình xem sao, bạn sẽ nhận ra những điều bạn sợ bỏ lỡ phần lớn không hề có ý nghĩa gì với bản thân mình và không có bạn mọi việc theo quy luật của cuộc sống đều có thể vận hành trôi chảy đấy thôi.



2. Liên tục kiểm tra điện thoại và các trang mạng xã hội

Căn bệnh kiểm tra điện thoại trên từng phút từng giây mặc dù nó không hề có bất cứ thông báo quan trọng nào đang diễn ra hằng ngày và chưa có dấu hiệu dừng lại trong giới trẻ chúng ta. Không có gì bàn cãi, điện thoại luôn là vật bất ly thân của mỗi chúng ta từ sáng đến khuya ngay cả trong lúc đi vệ sinh, nhưng không phải vì giá trị của nó mà là vì nỗi sợ bỏ lỡ của bản thân chúng ta. Mỗi ngày từ lúc mới mở mắt dậy, chúng ta đã ngay lập tức kiểm tra Facebook, Instagram, Messenger,.. xem có gì mới không, có trào lưu gì “hot” mà mình chưa biết không, xem bạn bè mình giờ nó ra sao, xem có bao nhiêu người like bài đăng của mình, xem thần tượng của mình có ăn ngủ đủ giấc hay không, người đi làm thì kiểm tra xem có mail công việc, hay phản hồi từ đối tác, khách hàng hay không… và rất nhiều các lý do khác để chúng ta phải kiểm tra điện thoại mọi lúc, mọi nơi. Mình hay nói vui là thời buổi này “mất mạng” thì chúng ta sẽ có cảm giác như thật sự bị mất mạng vậy!



Nhắc đến đây, thì dĩ nhiên mình cũng không phải là ngoại lệ, mình thừa nhận mình từng bị FOMO khá nặng trong những năm mình mới biết dùng mạng xã hội. Cho đến khi mình nhận ra những thứ mình đang làm là rất nhảm nhí và lãng phí thời gian thì mình mới bỏ dần căn bệnh FOMO của mình và sử dụng mạng xã hội đúng mục đích hơn. Có thể kể ra những ví dụ về căn bệnh FOMO của mình:


- Ví dụ thứ nhất: Lúc mới chơi Facebook mình kết bạn với rất nhiều người người, từ bạn bè, họ hàng, bà con xa cho đến láng giềng gần, cô giáo, thầy giáo, bạn của bạn, bạn gặp trên xe buýt, bạn gặp khi đi xem ca nhạc, người yêu cũ của crush, người yêu mới của crush, và tất cả các thể loại có bạn chung với 2 lý do: Điều nhảm nhí thứ nhất là kết bạn nhiều đăng ảnh sẽ có nhiều like. Điều nhảm nhí thứ hai là mình sợ bị bỏ lỡ thông tin của những người đó, của thần tượng, mặc dù có người mình chưa từng nói chuyện được nửa câu và tiếp xúc ngoài đời. Bạn đừng tưởng để nhận ra những thứ mình đang làm là nhảm nhí là rất dễ, lúc đó mình thậm chí rất tôn sùng việc mỗi khi nhắc đến ai, đứa bạn nào mình cũng biết. Mãi đến mấy năm gần đây mình mới ý thức được những việc đó không mang lại ý nghĩa gì cho cuộc sống hiện tại của mình, mình mới dần tìm cách và giảm hẳn cái tính FOMO của mình. Mình sẽ chia sẻ rõ hơn về những cách mình đã làm trong phần tiếp theo nhé!


- Ví dụ thứ hai: Có thể một vài bạn sẽ biết, mình rất thần tượng cầu thủ Cristiano Ronaldo một phần vì các thành tích trên sân đấu nhưng phần lớn lại là vì cách sống tích cực, những nỗ lực và những việc có ích cho xã hội mà anh đã làm trong suốt quãng đường sự nghiệp của mình. Chính vì thế mình biết khá rõ về cuộc sống và những việc làm của anh bên ngoài sân đấu, nhưng lại ít theo dõi các trận đầu chính thức trên sân của anh. Và cũng vì chứng FOMO của mình, mình từng thức khuya xem các trận đấu từ LaLiga, C1 cho tới Serie A… có sự xuất hiện của anh chỉ vì sợ bỏ lỡ những pha ghi bàn của thần tượng mặc dù đó không phải là lý do chính mà mình hâm mộ CR7. Kể từ khi mình ý thức được những việc mình làm đang đi ngược lại với lý do thật sự mình thần tượng CR7 thì thay vì mình cố gắng ép mình thức khuya xem các trận bóng, mình thường xuyên theo dõi về cuộc sống và những việc làm ý nghĩa của anh qua các kênh thông tin báo chí, youtube và các cập nhật quan trọng của anh.



3. Mua sắm vô tội vạ

Nỗi sợ không bắt kịp xu hướng dẫn đến việc mua sắm vô tội vạ của chúng ta mặc dù trước đó mình không hề có nhu cầu với những món đồ đó. Mình nhớ lại khoảng 3 năm trước khi trào lưu quần jeans rách, áo bẹt vai, quần áo hoa lá cành đang nổi lên, thì đi đâu ra đường đều thấy giới trẻ ăn mặc như thế. Có những bạn thậm chí sợ bị không giống người khác nên cũng mua về mặc vô tội vạ cho dù có thật sự yêu thích những món đồ đó hay không. Trong một năm trở lại đây thì có trend sống xanh, thế là người người nhà nhà đi mua bình giữ nhiệt, ống hút tre, túi vải như một điều hiển nhiên, không cần biết nhu cầu của mình như thế nà chỉ cần biết mình không được khác người khác. Rồi đến chuyện đọc sách, các bạn thấy người khác đọc sách thì giỏi lên, thành công hơn thì cũng đua đòi mua sách thật nhiều nhưng số đọc thì rất ít, số để trưng cho bằng chị bằng em thì lại rất nhiều, vừa lãng phí tiền bạc vừa khiến quyển sách đó không có cơ hội phát huy tác dụng thật sự của nó.



Sự mua sắm vô tội vạ còn nằm ở khía cạnh sự trung thành với thương hiệu. Không kể đến những người làm việc trong các lĩnh vực review, báo chí, truyền thông thì FOMO còn thể hiện ở việc bạn sẽ bất chấp mua cho bằng được các sản phẩm mới nhất của thương hiệu mình yêu thích mà không cần biết đến giá trị, tính năng và nhu cầu sử dụng của mình có phù hợp hay không. Đối với những người khá giả thì không sao, nhưng đối với những người cố gắng dành dụm tiền bạc mà không suy nghĩ gì đến tương lai chỉ để thỏa mãn sự bắt kịp xu hướng và tính FOMO của mình thì cần phải xem xét lại.


4. Những người luôn đưa ra “Lựa chọn mở”

Đây là vấn đề rất ít người để ý nhưng đó cũng là một trong những biểu hiện của tính FOMO. Khi phải đưa ra lựa chọn của bất cứ vấn đề gì trong cuộc sống, vì nỗi sợ bị bỏ lỡ, bị thiệt thòi của chính bản thân mình, những người này sẽ nói rằng: “Tôi muốn giữ sự lựa chọn của mình mở, cái nào cũng được.” Nhưng thật ra là họ sợ nếu chọn cái này sẽ bị mất cái kia, ví dụ như phải đưa ra lựa chọn giữa mình là người ra quyết định cho một vấn đề quan trọng những phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình với việc không phải chịu trách nhiệm nhưng phải nghe theo quyết định của người khác, họ vừa muốn là người quyết định vừa muốn không chịu trách nhiệm nên sẽ nói là mình đưa ra lựa chọn mở để vừa có lợi ích vừa chừa đường lui cho bản thân.



5. Tự ti về bản thân

FOMO thường gắn liền với nhận thức địa vị xã hội thấp, nó có thể gây ra cho con người cảm giác lo lắng và tự ti. Khi một người bị bỏ lỡ một cuộc vui, một sự kiện xã hội hay một buổi hội họp, họ sẽ có xu hướng sợ mình kém nổi bật và bị lãng quên bởi người khác. Bên cạnh đó, khi sinh hoạt cùng một tập thể, những người FOMO thường có hướng thấy bản thân thua kém người khác vì mình có kết quả học tập thấp hơn, lương thưởng thấp hơn hay hiểu biết ít hơn những người còn lại… Những biểu hiện này là rất bình thường trong cuộc sống của mỗi chúng ta, nhưng về lâu về dài nếu nó diễn ra thường xuyên và lặp lại nhiều lần trong tâm trí bạn sẽ dẫn đến những tác hại tiêu cực như nỗi sợ tiếp xúc với đám đông, stress và thậm chí là trầm cảm.


Cách đây vài ngày mình có xem lại một vài dòng trạng thái từ khoảng 5 năm trước của mình mình mới nhận ra là thời gian đó mình cũng từng vướng vào vấn đề này, mình luôn cảm thấy thua sút so với bạn bè, cảm thấy chỉ có một mình các thể loại… nói chung là khác hoàn toàn với mình ở hiện tại. Cũng may là mình đã vượt qua được giai đoạn ""tự ti vô tác động của chính bản thân mình và trân trọng hơn cũng như tự tin hơn với khả năng của mình.


FOMO là một căn bệnh truyền nhiễm

Tại sao mình nói FOMO là một căn bệnh truyền nhiễm? Ngay bây giờ bạn thử ngẫm lại xem bạn có từng bị FOMO hay không và chứng FOMO của bạn là tự nó phát sinh hay xảy ra trong mối tương quan quan hệ với người khác? Thực tế cho rằng phần lớn FOMO của chúng ta sẽ xuất hiện khi giao tiếp với những người xung quanh. Thử cùng mình điểm qua một vài ví dụ xem có đúng không nhé!


- Bạn có một đứa bạn thân và lúc nào nó cũng mặc đồ theo xu hướng thời trang, còn bạn vốn dĩ là một người ăn mặc giản dị và cơ bản. Sẽ rất mừng nếu các bạn vẫn chơi thân với nhau nhưng không bị ảnh hưởng phong cách và cách sống của nhau. Nhưng phần lớn các trường hợp, bạn cũng sẽ dễ dàng bắt chước cách ăn mặc cho đúng xu hướng thời trang của bạn mình vì bản chất của xu hướng và những cái mới luôn kích thích hơn những cái đơn giản bất kể bạn có nhu cầu với chúng hay không.


- Bạn cùng một đám bạn đang ngồi nói chuyện thì 5 đứa còn lại đều cầm điện thoại lên lướt mạng xã hội. Lúc đó bạn sẽ làm gì, ngoài việc bất lực và cũng phải cầm điện thoại lên lướt lướt cho bằng bạn bằng bè, đừng nói với mình là lấy sách ra đọc nha! (Cười)


- Bạn không có năng khiếu và cũng không có niềm yêu thích với nhạc cụ, nhưng bỗng dưng thấy bạn mình chơi hay quá, được nhiều người ngưỡng mộ và yêu thích, bạn cũng phải đi học cho bằng được. Để rồi bạn có được những thứ giống hệt người bạn đó bạn lại chẳng thấy vui chút nào.


- Trường hợp nặng nhất là khi bạn chơi chung với một đám bạn mà có thông tin gì đó bạn không được biết hay không được cùng ra quyết định, thế là bạn cho rằng mình không được tin tưởng và mất đi sự quan trọng của mình. Hãy thôi đi, nhiều khi chuyện đó không biết là tốt cho chính mình, nhiều khi mấy chuyện bạn sợ bị bỏ lỡ cũng không phải là chuyện tốt lành gì để biết đâu. Những quyết định bạn không được ra dĩ nhiên bạn sẽ không phải bị liên đới trách nhiệm khi có bất cứ vấn đề gì xảy ra. Cứ suy nghĩ thoáng và tích cực một tí, cuộc sống của bạn sẽ vui vẻ và hạnh phúc hơn rất nhiều đấy!


Cách để vượt qua nỗi sợ bỏ lỡ của bản thân

Dưới đây là một vài cách mình rút ra qua những quyển sách, báo chí, kinh nghiệm thực tế từ bản thân và những người xung quanh, hi vọng có thể giúp bạn giảm bớt tính FOMO và sống có ý nghĩa hơn với chính bản thân mình:


1. Hiểu rõ giá trị sống của bạn

Trước khi làm một việc hay vướng phải một cảm xúc tiêu cực nào đó, điều đầu tiên bạn cần nghĩ đến chính là mục đích và lý do mà bạn phải làm hay trải qua những cảm xúc đó. Bạn hãy nghĩ kỹ xem việc bạn đang làm có thật sự đi đúng với mục đích ban đầu và thật sự mang lại ý nghĩa và giá trị cho cuộc sống của mình hiện tại hay không?



Cách này có thể giúp bạn giải quyết nỗi sợ bị bỏ lỡ một cuộc vui hay hội họp. Trước khi cảm thấy mình không vui và bị bỏ rơi, bạn hãy nghĩ xem nếu được tham gia bạn có thật sự vui hay không, bữa tiệc đó có phù hợp với bạn hay không và thậm chí nếu bị bỏ lỡ một sự kiện nào đó bạn có bị mất mát một điều gì quan trọng trong cuộc sống của mình hay không? Nếu không, thì bạn không việc gì phải FOMO đâu, vì những việc bạn vừa bỏ lỡ không hề gây bất cứ tổn hại nào đến giá trị sống, gia đình và công việc của bạn.


Về mạng xã hội, bạn nên dành ra một ít thời gian để suy nghĩ xem mục đích bạn đang sử dụng nó mỗi ngày là để làm gì, những hoạt động diễn ra trên trang cá nhân của bạn có phải là những thứ bạn mong muốn hay chỉ là diễn ra vô thức do tính FOMO của chính mình.


Tương tự ở việc sợ không bắt kịp xu hướng hay sợ bị mất quyền lợi khi lựa chọn, trước khi quyết định bất cứ điều gì bạn hãy suy nghĩ thật kỹ mục đích và ý nghĩa của việc đó có đáng để bạn FOMO hay không nhé.


2. Cách hạn chế bị FOMO khi sử dụng mạng xã hội

Như mình đã đề cập, để hạn chế bị FOMO khi sử dụng mạng xã hội, điều đầu tiên và gốc rễ vẫn là suy nghĩ xem mục đích bạn sử dụng nó là gì, và tất cả mọi thứ có đang vận hành giống như những gì bạn mong muốn hay không hay đang trôi trong vô định? Để phân tích kỹ hơn về vấn đề này, mình sẽ đưa ra một ví dụ thiết thực của chính bản thân mình:

- Về vấn đề kết bạn: Mục đích của mình là kết bạn và liên lạc với những người bạn thân, những người đã từng gặp nhau ngoài đời và những mối quan hệ công việc quan trọng và cần thiết. Chính vì thế, mình đã không ngần ngại hủy kết bạn hoặc ngừng theo dõi đối với những người không liên quan trên mạng xã hội, điều đó khiến mình hạn chế nạp những thông tin không cần thiết và tập trung hơn với những người bạn thật sự quan trọng với mình hơn. Các trang thông tin mình theo dõi cũng không còn là một mớ hỗn độn như hồi mới chơi Facebook nữa, đó đa số đều là những thông tin chính thống và liên quan đến những điều mình thật sự quan tâm. Cũng thật xin lỗi với những người bạn, những mối quan hệ không còn tương tác, mình xin phép hủy kết bạn trên mạng xã hội, nhưng vẫn mong ngoài đời có gặp nhau thì vẫn là mối quan hệ thật ngoài đời chứ mình không hề muốn để thế giới ảo phá tan thế giới thật của chúng ta. Lúc trước mình thật sự hơi lo lắng về vấn đề nghịch lý này, nhưng nó vẫn đang thật sự diễn ra và mình chỉ có thể chấp nhận chứ không thể nào ngăn nó lại được.


- Về vấn đề các bài chia sẻ, hình ảnh kỷ niệm: Kể từ khi mình xác định rõ việc lưu giữ hình ảnh thông qua mạng xã hội là chỉ để giữ lại những kỷ niệm đáng nhớ thông qua một nền tảng tiên tiến của nền văn minh nhân loại, mình cũng không còn quan tâm nhiều lắm đến lượt like hay bình luận, thay vào đó mình quan tâm hơn đến những người đang thật sự quan tâm mình. Một câu nói mình đang đặt làm mà hình điện thoại: “Have less and be more”, đừng sợ bị bỏ lỡ những thứ không có ý nghĩa với mình, thay vào đó, càng có ít bạn càng có thể quan tâm nhiều hơn đến những người bạn thật sự của mình và những vấn đề quan trọng trong cuộc sống.



- Nếu bạn không phải người có thế mạnh về kiểm soát cảm xúc thì có thể áp dụng một số mẹo này để đánh lừa tư duy của chính mình nhe:

+ Gỡ cài đặt app mạng xã hội trên điện thoại để tránh sử dụng trong vô thức.

+ Khi không sử dụng mạng xã hội nữa hãy nhớ đăng xuất khỏi trang hoặc thậm chí có thể vô hiệu hóa nó.

+ Tắt thông báo trên điện thoại, laptop.

+ Hạn chế kết nối với Wifi, 4G nếu không thật sự cần thiết.

Bạn có thể tham khảo thêm bài viết này nhé!


3. Sống đơn giản, nghĩ đơn thuần

Sống đơn giản cho đời thanh thản và nghĩ đơn thuần, nghĩ về hướng tích cực cho cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc hơn.

Như mình đã có đề cập ở trên, những lúc bạn bị bỏ lỡ một thông tin hay một cuộc vui nào, thay vì sợ bị bỏ lỡ hay lo lắng người khác không tín nhiệm mình, hãy hướng suy nghĩ của bạn về mặt tích cực. Nhiều khi việc không biết thông tin đó là tốt cho bạn, việc bạn không tham gia các cuộc vui đó bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để dành cho bản thân, gia đình và các hoạt động có ích cho xã hội. Thay vì nằm ủ rũ, trách móc tại sao chúng ta không dành thời gian đó để tận hưởng những sở thích của bản thân như đọc sách, nghe nhạc, viết lách, hát hò hay dành thời gian trò chuyện với người thân và chăm sóc bản thân mình. Có rất nhiều việc có ý nghĩa mà bạn có thể làm trong lúc bạn không tham gia những điều mà xét ra cũng không có ý nghĩa với cuộc sống của mình.



4. Dừng ngay mơ mộng viễn vông về những thứ bạn không cần trong cuộc sống

Trước khi đưa ra quyết định về một thứ gì đó, hãy nghĩ xem “Bạn có thật sự cần nó trong cuộc sống của mình hay không?”

Làm gì có chuyện người khác có người yêu thì bạn cũng phải có nếu như bạn vẫn đang cảm thấy vui vẻ và hài lòng với cuộc sống độc thân của chính bản thân mình!

Làm gì có chuyện người khác đi du lịch ở khách sạn sang chảnh chạy xe hơi hạng sang thì bạn không được phép đi du lịch bụi với chiếc xe Dream của của mình!

Làm gì có chuyện người khác xin việc đúng ngành nghề họ theo học còn bạn thì không có quyền làm những gì mình yêu thích khi ra trường!

Làm gì có chuyện bạn không thể làm những việc khác với đám đông nếu nó hợp pháp và có ý nghĩa đối với cuộc sống của chính mình!

...


Thứ phù hợp với người khác chưa chắc sẽ phù hợp với bạn, mọi thứ đều nằm trong mối tương quan ở sự hài lòng và thỏa mãn của chính mình mà thôi. FOMO là khát vọng trải nghiệm một thứ gì đó, nó được sinh ra không phải do những gì bạn muốn có mà bởi nỗi sợ bạn sẽ mất những thứ mình chưa hề có. Điều cuối cùng mình muốn nhắn nhủ trong bài viết này chính là, hãy là một người thông minh và biết phân biệt cái gì nên hay không nên có trong cuộc sống của chính mình vì:

"Nếu bạn không có hiểu biết, bạn sẽ dễ dàng tin vào những điều tưởng chừng có lý nhưng thực ra lại sai hoàn toàn."


“Thy và những câu chuyện nhỏ” #54

08/10/2019

1,127 views0 comments
bottom of page